Đảng bộ xã Cốc San 61 năm xây dựng và phát triển
  1. Sự phát triển tổ chức Đảng

Đến tháng 12/1961, số lượng đảng viên của huyện Bát Xát tăng lên đáng kể, toàn huyện có 74 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ. Trong đó có 33 đồng chí sinh hoạt ở khu vực nông thôn sinh hoạt tại 5 chi bộ gồm: chi bộ khu Nhạc Sơn, chi bộ khu vực Bát Xát, chi bộ khu vực Mường Hum, chi bộ khu vực Trịnh Tường34(35). Trước yêu cầu phát triển hợp tác xã, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ban Thường vụ Huyện ủy Bát Xát chủ trương tách và thành lập các chi bộ xã theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất.

Ngày 01/8/1962, chi bộ Đảng xã Cốc San được thành lập trên cơ sở tách ra từ chi bộ Nhạc Sơn gồm 6 đảng viên: (1) đồng chí Vàng Phà Sin (Pò Sắt), dân tộc Giáy, thường trú thôn Luổng Láo xã Cốc San; (2) đồng chí Vàng Vần Châu (Pò Sẻo) dân tộc Giáy, thường trú thôn Tòng Xành xã Cốc San; (3) đồng chí Hù A Chung dân tộc Giáy thôn thường trú thôn Tòng Xành xã Cốc San; (4) đồng chí Vương Văn Chung (Pò Seo), dân tộc Giáy thường trú thôn Ún Tà; (5) đồng chí Vùi A Phang, dân tộc Giáy, ở thôn Tòng Xành xã Cốc San; (6) đồng chí Lừu A Châu, dân tộc Giáy, thôn Tòng Chú xã Cốc San. Chi ủy gồm 03 đồng chí: đồng chí Vương Văn Chung - Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Cốc San được chỉ định là bí thư chi bộ xã Cốc San, đồng chí Vùi A Phang xã đội trưởng, chủ nhiệm hợp tác xã và đồng chí Lừu A Châu Phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã là chi ủy viên.

Sự kiện thành lập Chi bộ Cốc San có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là sự kiện chính trị đánh dấu mốc son đầu tiên trong lịch sử Đảng bộ xã. Từ đây xã Cốc San chính thức có tổ chức Đảng lãnh đạo trực tiếp thay cho sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng khu Nhạc Sơn và chính quyền xã Cốc San trong nhiều năm, đặc biệt với sự ra đời của Chi bộ đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng đối với Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Trong 4 năm 1962 - 1965, Chi bộ Cốc San đã kết nạp và tiếp nhận thêm 13 đảng viên, trong đó có 7 đảng viên từ miền xuôi lên khai hoang, kết nạp mới 3 đảng viên ở xã Cốc San (Hoàng A Páo, Vàng Văn Dỉn, Hoàng Văn Cao) và kết nạp mới 3 đảng viên ở xã Tòng Sành, nâng tổng số đảng viên của Chi bộ Cốc San đến tháng 12 năm 1965 là 19 đồng chí. Trong 6 tháng đầu năm 1966, Chi bộ Cốc San phát triển được 2 đảng viên. Nâng tổng số đảng viên đảng bộ lên 21 đảng viên, trong đó tổ đảng xã Tòng Sành trong chi bộ Đảng Cốc San đã có 5 đảng viên. Ngày 14/7/1966, Huyện ủy Bát Xát quyết định thành lập chi bộ Đảng xã Tòng Sành trên cơ sở tách tổ đảng Tòng Sành từ chi bộ Đảng Cốc San. Chi bộ Đảng xã Cốc San còn 16 đảng viên.

Trong 5 năm, 1966 – 1970, chi bộ Cốc San đã phát triển thêm 5 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên chi bộ đến cuối năm 1970 là 21 đảng viên. Đến cuối năm 1977 Chi bộ đã có 25 đảng viên. Trước tình hình an ninh trên tuyến biên giới ngày càng diễn ra căng thẳng, tháng 3/1978 Trung ương và tỉnh thực hiện chương trình tăng cường cán bộ lên củng cố các xã khu vực biên giới. Xã Cốc San được tăng cường 8 cán bộ, đảng viên, đã đưa tổng số đảng viên sinh hoạt trong Chi bộ Cốc San lên 32 đồng chí. Đầu tháng 4/1978 Chi bộ xây dựng phương án đề nghị Huyện ủy nâng cấp Chi bộ Cốc San lên Đảng bộ.

Ngày 20/4/1978, Huyện ủy Bát Xát ra quyết định số 26/QĐ-HU về việc nâng cấp Chi bộ Đảng xã Cốc San lên Đảng bộ. Quyết định của Huyện ủy chỉ định đồng chí Hoàng A Sỉ giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, đồng chí Vi Mậu Sin - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã là Phó Bí thư, đồng chí Trương Anh Vượng là Ủy viên Thường trực Đảng. Quyết định giao cho Ban Chấp hành Đảng bộ ban hành quyết định thành lập 4 chi bộ trực thuộc.

Đầu tháng 5/1978, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Cốc San ban hành Quyết định thành lập 4 chi bộ trực thuộc Đảng bộ: Chi bộ An Tòng do đồng chí Phạm Văn Hương là Bí thư; Chi bộ Tân Tòng do đồng chí Nguyễn Hữu Tòng là Bí thư; Chi bộ Tiến San do đồng chí Bùi Đắc Vượng là Bí thư; Chi bộ Luổng Láo do đồng chí Nguyễn Văn Tuyên là Bí thư. Sự kiện Chi bộ xã Cốc San được nâng cấp thành Đảng bộ với 4 chi bộ trực thuộc đánh dấu bước phát triển của tổ chức cơ sở sở Đảng địa phương.

Giai đoạn 1978 – 1981, đảng viên chi bộ tiếp tục phát triển mới, đến Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XI, tháng 10/1981, Đảng bộ đã có 32 đảng viên. Đến năm 1985, số đảng viên đảng bộ tăng lên 36 đảng viên, sinh hoạt ở 4 chi bộ trực thuộc.

Trong 5 năm 1986 – 1990, số đảng viên đảng bộ xã tăng lên 42 đảng viên, sinh hoạt tại 7 chi bộ trực thuộc; Năm 1995, Đảng bộ sắp xếp 7 chi bộ trực thuộc thành 8 chi bộ: Tân Sơn, Tòng Xành, Tòng Chú, An San, Luổng Đơ, Ún Tà, Luổng Láo, Nhà trường với 49 đảng viên tham gia sinh hoạt.

Từ năm 1996 – 2000, đảng viên đạt 54 đồng chí sinh hoạt ở 8 chi bộ. Giai đoạn 2000 – 2010, tổng số đảng viên đảng bộ đã tăng lên 110 đảng viên, số chi bộ phát triển lên 14 chi bộ, chỉ còn 03 thôn và trạm y tế chưa có chi bộ độc lập. Đến cuối năm 2015, tất cả các thôn đều có chi bộ độc lập.

Giai đoạn 2015 – 2020, số đảng viên Đảng bộ đạt 198 đảng viên, do có sự thay đổi trong việc sáp nhập các thôn; đặc biệt thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về cấp xã và điều chuyển địa giới hành chính nên các chi bộ được sắp xếp lại với 13 chi bộ trực thuộc, trong đó 9 chi bộ thôn, 03 chi bộ trường học, 01 chi bộ công an.

Từ khi chi bộ đảng đầu tiên được thành lập, ngày 1/8/1962, đến ngày nâng cấp thành Đảng bộ xã Cốc San 20/4/1978, đến nay với sự phát triển tổ chức và đảng viên, Đảng bộ xã Cốc San có 13 chi bộ trực thuộc, nơi sinh hoạt của 196 đảng viên.

2. Các kỳ Đại hội Đảng bộ xã Cốc San

Tháng 9/1962 Chi bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ I.

Tháng 12/1963, Chi bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ II.

Tháng 01/1964, Chi bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ III.

Tháng 01/1965, Chi bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ IV.

Tháng 11/1966, Chi bộ Đảng xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ V

Tháng 12/1968, Chi bộ Đảng xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ VI.

Đại hội Chi bộ xã lần thứ V và VI đều tín nhiệm bầu đồng chí Vương Văn Chung là Bí thư - Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã.

Tháng 5/1971, Chi bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ VII. Đại hội bầu đồng chí Vương Văn Chung là Bí thư, đồng chí Hoàng A  Sỉ - Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã là Phó Bí thư, đồng chí Vũ Thế Hoàn là Ủy viên.  

Tháng 10/1973 , Chi bộ Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ VIII. Đại hội đã bầu Ban Chi ủy do đồng chí Hoàng A Sỉ là bí thư Chi bộ; đồng chí Vi Mậu Sin - Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã là Phó Bí thư; đồng chí Nguyễn Văn Thụy là Ủy viên.

Tháng 4/1976, Chi bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ IX. Đại hội bầu Ban Chi ủy Chi bộ gồm 5 đồng chí, đồng chí Hoàng A Sỉ tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ; đồng chí Vi Mậu Sin-Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã là Phó Bí thư, đồng chí Trương Anh Vượng là Ủy viên

Tháng 11/1978, Đảng bộ tổ chức Đại hội lần thứ X. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 7 đồng chí, đồng chí Hoàng A Sỉ giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, đồng chí Vi Mậu Sin - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã là Phó Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Thụy là Ủy viên Thường trực Đảng.

Ngày 22/10/1981, Đảng bộ xã Cốc San  tổ chức Đại hội lần thứ XI. Dự Đại hội có 30/32 đảng viên. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 7 đồng chí, đồng chí Hoàng A Sỉ tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy; đồng chí Bùi Hữu Chính - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã là Phó bí thư, đồng chí Vũ Hữu Đường là Ủy viên Thường trực Đảng.

Tháng 12/1983, Đảng bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ XII. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Thụy được Đại hội bầu là Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nông Văn Sam - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã là Phó Bí thư; đồng chí Vũ Hữu Đường là Ủy viên Thường trực Đảng.

Tháng 6/1987, Đảng bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ XIII. Dự Đại hội có 35/38 đảng viên trong Chi bộ. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới gồm 11 đồng chí. Đồng chí Ngô Ngọc Lân được Đại hội bầu là Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nông Văn Sam - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là Phó Bí thư. Năm 1989, đồng chí Nông Văn Sam được điều động lên huyện, đồng chí Lìn Văn Phùng được Hôi đồng nhân dân bầu là Chủ tịch và được Đảng ủy bầu là Phó Bí thư.

Ngày 16/01/1991, Đảng bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ XIV. Dự Đại hội có 41/43 đảng viên. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 11 đồng chí do đồng chí Ngô Ngọc Lân là Bí thư Đảng ủy, đồng chí  Lìn Văn Phùng - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã là Phó Bí thư, đồng chí Lê Đức Đoán là Phó Bí thư Thường trực.

Ngày 13/12/1993, Đảng bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ XV. Dự Đại hội có 44/46 đảng viên. Đại hội Đảng bộ xã Cốc San lần thứ XV bầu 11 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ. Đồng chí Ngô Ngọc Lân tiếp tục được bầu là Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lìn Văn Phùng - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã là Phó Bí thư, đồng chí Lê Đức Đoán là Phó Bí thư Thường trực. Năm 1994, đồng chí Ngô Ngọc Lân chuyển công tác lên huyện Bát Xát, đồng chí Lê Đức Đoán được bầu là Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Trần Đình Điểm bầu phó  bí thư Thường trực.

Ngày 30/8/1995, Đảng bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ XVI . Dự Đại hội có 45/49 đảng viên trong Đảng bộ. Đại Hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1995 - 2000 gồm 9 đồng chí. Đồng chí Lê Đức Đoán được Đại hội bầu giữ chức Bí thư Đảng bộ, đồng chí Trần Đình Điềm là Phí Bí thư Thường trực; đồng chí Nông Văn Sử -  Chủ tịch UBND xã là Phó Bí thư.

Ngày 07/9/2000, Đảng bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2000 - 2005. Dự Đại hội có mặt 51/54 đảng viên. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí, trong đó đồng chí Lê Đức Đoán là Bí thư; đồng chí Trần Đình Điềm là Phó Bí thư Thường trực; đồng chí Nông Văn Sử là Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã.

Trong 2 ngày 07- 08/8/2005, Đảng bộ xã Cốc San tiến hành Đại hội lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2005 - 2010. Dự Đại hội có 84/86 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã bầu 11 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ, trong đó 03 đồng chí trong Ban Thường vụ; đồng chí Nông Văn Sử được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Trần Đình Điềm là Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Vũ Thế Đức là Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, từ tháng 7/2007 đồng chí Hoàng Xuân Phú giữ chức vụ Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Tháng 4 năm 2008, Đảng bộ bầu bổ sung vào Ban chấp hành Đảng bộ xã thêm 01 ủy viên và bầu thêm 01 đồng chí vào Ban Thường vụ Đảng ủy.

Trong 2 ngày 24 và 25/5/2010, Đại hội Đảng bộ xã Cốc San lần thứ XIX được tổ chức. Dự Đại hội có 104/110 đảng viên của 14 chi bộ trực thuộc. Đại hội Đảng bộ xã Cốc San lần thứ XIX bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm  kỳ 2010 - 2015 gồm 15 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí. Đồng chí Hoàng Xuân Phú được Đại hội bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Viết Hợp - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã là Phó Bí thư Đảng ủy; đồng chí Trần Đình Điềm là Phó Bí thư Thường trực. Tháng 6 năm 2010 đồng chí Trần Đình Điềm chuyển công tác, đồng chí Nguyễn Thị Liên được bầu giữ chức Phó bí thư Thường trực Đảng ủy.

Trong 02 ngày 8 - 9/4/2015, Đảng bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ XX nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội có 140 đảng viên tham dự.  Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XX gồm 14 đồng chí, Ban Thường vụ 05 đồng chí. Đồng chí Hoàng Xuân Phú tiếp tục được Đại hội bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Thị Liên giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực; đồng chí Nguyễn Viết Hợp - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã giữ chức vụ Phó Bí thư. Tháng 11/2018, đồng chí Bùi Thanh Nam - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã được bầu là Phó Bí thư thay đồng chí Nguyễn Viết Hợp (chuyển công tác). Tháng 7/2019,  đồng chí Bùi Thị Thu Trang được bầu là Phó Bí thư Thường trực thay đồng chí Nguyễn Thị Liên nghỉ chế độ; tháng 01/2020 đồng chí Hoàng Trọng Tuệ chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Bí thư và bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã thay đồng chí Bùi Thành Nam chuyển công tác.

Trong 02 ngày, 27 – 28/5/2020, Đại hội Đảng bộ xã Cốc San tổ chức Đại hội lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Dự Đại hội có 198 đảng viên toàn Đảng bộ. Đại hội bầu BCH Đảng bộ khóa XXI gồm 11 đồng chí. Ban Thường vụ 03 đồng chí. Đồng chí Hoàng Trọng Tuệ bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, đồng chí Bùi Thị Thu Trang là Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Hoàng Ngọc Dương - là Phó Bí thư. Ngày 26 tháng 6 năm 2020, tại kỳ họp HĐND xã lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2016 – 2021 miễn nhiệm Chủ tịch UBND xã đối với đồng chí Hoàng Trọng Tuệ và bầu đồng chí Hoàng Ngọc Dương Phó bí thư Đảng ủy là Chủ tịch UBND xã. Tháng 5/2023, đồng chí Hoàng Trọng Tuệ, chuyển công tác; đồng chí Nguyễn Văn Tuấn Thành ủy viên – Trưởng phòng Tài nguyên môi trường Thanh phố Lào Cai được Thành ủy Lào Cai chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Cốc San.

3. Đảng bộ xã lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị

* Giai đoạn 1962 – 1965:

Thực hiện các nghị quyết Đại hội Chi bộ lần thứ I, II, III, IV, công tác củng cố, xây dựng hợp tác xã được Chi bộ Đảng xã Cốc San xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong 5 năm 1961 - 1965, phong trào Hợp tác hóa kết hợp với thủy lợi hóa của xã Cốc San tiếp tục được phát động, xã viên các hợp tác xã tập trung xây dựng củng cố hệ thống mương phai chủ động đủ nước tưới cho phần lớn diện tích lúa nước. Năm 1961, tỉnh Lào Cai huy động dân công, đầu tư xây dựng công trình hồ Luổng Đơ có diện tích mặt nước trên 5 ha, phục vụ tưới nước cho phần lớn diện tích lúa các thôn Luổng Đơ, An San và phục vụ cho phong trào khai hoang, thâm canh của xã đang được phát động. Công tác khai hoang được gắn liền với làm thủy lợi theo phương châm: Nước về đến đầu khai hoang làm ruộng đến đó. Nhân dân trong xã đã khai hoang đưa vào trồng cây lương thực và hoa màu thêm trên 30 ha. Ngoài trồng lúa, Ban quản lý các hợp tác xã đã chỉ đạo đẩy mạnh việc trồng thêm các loại cây lương thực khác như ngô, đậu, khoai, sắn,...góp phần nâng cao sản lượng lương thực, đáp ứng nhu cầu tự túc lương thực và tăng thu nhập cho hợp tác xã. Giai đoạn này, diện tích, năng xuất, sản lượng lương thực hàng năm của xã Cốc San đều cơ bản phát triển ổn định, đời sống xã viên không ngừng được cải thiện. Năm 1965, hợp tác xã Ún Tà xã Cốc San đạt 4,8 tấn thóc/ha.

Giai đoạn này, chi bộ lãnh đạo thực hiện hiệu quả cuộc vận động đón nhận đồng bào miền xuôi lên khai hoang.

* Giai đoạn 1965 – 1970:

Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ chính trị 2 năm 1966 – 1967 chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm chuyển mọi hoạt động của địa phương sang tình trạng thời chiến; thực hiện các giải pháp phòng chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, đồng thời tập trung lãnh đạo củng cố hợp tác xã, phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, kết hợp với phát triển văn hóa - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị.

          Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ chính trị  2 năm 1969 - 1970, tiếp tục chỉ rõ nhiệm phòng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, kết hợp với củng cố hợp tác xã, phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; phát triển văn hóa - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị; ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam...

* Giai đoạn 1970 – 1975:

Từ năm 1970 – 1973, Chi bộ xã Cốc San lãnh đạo các biện pháp củng cố hợp tác xã theo hướng đổi mới quản lý hợp tác xã một cách thiết thực, dân chủ, đề cao quyền lợi xã viên; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức giác ngộ cách mạng XHCN, động viên tinh thần làm chủ tập thể XHCN của quần chúng và ý chí tự lực tự cường của cán bộ, đảng viên để xây dựng hợp tác xã. Để tăng sản lượng cây trồng, Nghị quyết chỉ đạo các hợp tác xã đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

         Những năm 1973 – 1975, Chi bộ xã đã quán triệt nội dung chỉ đạo củng cố hợp tác xã, phương hướng nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp do Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ IX (năm 1972)  đề ra và thông qua Nghị quyết lãnh đạo của Chi bộ trong nhiệm kỳ mới, trong đó nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp được Nghị quyết chỉ rõ là: Ra sức khắc phục khó khăn, củng cố phong trào hợp tác hóa; đẩy mạnh phát triển sản xuất, đưa sản xuất đi vào chuyên canh, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính.

* Giai đoạn 1975 – 1980:

Trong 3 năm 1976 - 1978 cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Cốc San đã ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ do Đại hội đề ra.

Về củng cố hợp tác xã: Trong thời gian này, xã Cốc San đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động tổ chức lại sản xuất trong hợp tác xã. Tiến hành sắp xếp đưa hoạt động của hợp tác xã lên quy mô bậc cao. Năm 1976, được huyện chỉ đạo, xã Cốc San tiến hành sáp nhập 5  hợp tác xã thành 03 hợp tác xã lớn: 04 hợp tác xã: Luổng Láo, Luổng Đơ, Ún Tà, An San sáp nhập thành 01 hợp tác xã lấy tên là hợp tác xã Hải San do ông Trần Nhật Thành là Chủ nhiệm; 03 hợp tác xã: Tân Sơn, Tòng Xành, Tòng Chú sáp nhập thành 01 hợp tác xã lấy tên là hợp tác xã Nam San do ông Vi Mậu Sin - Chủ tịch UBND xã là Chủ nhiệm. Hợp tác xã Tiến San giữ nguyên quy mô cũ do ông Bùi Đắc Vưng là Chủ nhiệm. 03 hợp tác xã gồm 11 đội sản xuất và các đội phụ trợ như đội trồng rừng, đội sản xuất vật liệu xây dựng (đốt vôi, làm, gạch...) đội chăn nuôi, đội vận tải…

Năm 1978, tổng sản lượng lương thực thóc của xã đã đạt 707 tấn, năng suất lúa bình quân đạt 5,5 tấn/ha/ năm. So với kế hoạch của xã đạt 110%, so với kế hoạch của huyện vượt 200 kg/ha. Tổng đàn trâu toàn xã có 303 con, đàn lợn có 672 con. So với năm 1976, đàn trâu tăng 5%, đàn lợn gia đình tăng 12%. Trong 3 năm 1976 – 1978, phong trào “Ao cá Bác Hồ” được thực hiện khá sôi nổi, toàn xã đã đào đắp thêm hơn 02 ha ao thả cá, tăng diện tích nuôi cá lên 6 ha, sản lượng cho thu hoạch năm 1978 được hơn 10 tấn cá(50).

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển, những năm 1976 - 1978 các chỉ tiêu sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng đều đạt kế hoạch với các loại sản phẩm như lưỡi cày, lưỡi cuốc, dao phát, vật liệu xây dựng vôi, gạch. Trong xây dựng cơ bản, trong 3 năm xã đã huy động 1.770 ngày công thi công các công trình giao thông, thủy lợi. Tiêu biểu là hợp tác xã An San đã đã huy động xã viên làm đường nội đồng, đưa cơ giới và sản xuất nông nghiệp, thành lập Tổ làm giống, góp phần đưa năng suất lúa năm 1976 đạt trên 7 tấn/ha.

Những năm 1978 – 1980: bên cạnh lãnh đạo nhân dân tiếp tục thực hiện các nhiệm củng cố hợp tác, phát triển nông nghiệp; đảng bộ đã tập trung xây dựng pháo đài phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới và khắc phục khó khăn do chiến tranh biên giới gây ra.

* Giai đoạn 1980 – 1985:

Nhưng năm 1980 – 1983, Thực hiện chủ trương tăng cường lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình xã viên theo tinh thần Chỉ thị 100 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 06 - CT/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Chi bộ lãnh đạo khẩn trương rà soát lại toàn bộ đất đai nông nghiệp, đất rừng theo từng đội sản xuất; tiếp tục thực hiện tốt việc định canh định cư; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật kinh tế, văn hóa - xã hội; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng phát triển nghề rừng, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi. Chú trọng công tác xây dựng tổ chức Đảng chính quyền, các đoàn thể quần chúng vững mạnh. Đẩy mạnh củng cố xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, tham gia và tích cực thực hiện kế hoạch xây dựng pháo đài biên giới; tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, đập tan âm mưu phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Những năm 1983 – 1985: Đảng bộ lãnh đạo Nhân dân tiếp tục đẩy mạnh và củng cố việc khoán; tích cực động viên Nhân dân thâm canh, tăng năng xuất, tăng sản lượng lương thực, mở rộng ngành nghề truyền thống, nâng cao thu nhập của Nhân dân. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, kiên quyết đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch. Tăng cường công tác xây dựng Đảng; nâng cao vai trò quản lý tổ chức thực hiện của chính quyền và các tổ chức quần chúng.

          * Giai đoạn 1985 – 1990:

Trên cơ sở vận dụng nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất lương thực, tăng cường khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất và định canh, định cư; phát triển nghề rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi. Thực hiện tốt công tác văn hóa - xã hội. Tích cực củng cố xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, đảm bảo an ninh trật tự trị an trên địa bàn. Tăng cường đấu tranh chống chiến tranh tâm lý của kẻ địch. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và phát triển đảng viên; chú trọng củng cố hoạt động của chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Lãnh đạo nhân dân thực hiện số chỉ tiêu nông nghiệp đến năm 1988: Tổng sản lượng lương thực lúa 1.060 tấn  (trong đó lúa xuân 130 ha đạt 520 tấn, lúa mùa 150 ha đạt 540 tấn), ngô 10 ha đạt 140 tấn; khoai lang 30 ha đạt 137 tấn; lạc 25 ha; đậu tương 20 ha; sắn 60 ha; rau đậu các loại 5 ha; mía 4 ha; chè 30 ha; trông mới mỗi năm 25 ha rừng; đàn trâu có  290 con, đàn bò 50 con, lợn 1.050 con, cá 6,5 ha(64).

* Giai đoạn 1990 – 1995:

          Nhiệm kỳ 1991 – 1993, Đảng bộ xác định nhiệm vụ là tập trung khai thác thế mạnh đất đai, tài nguyên rừng và thị trường tiêu dùng để phát triển kinh tế, hàng hóa; nghiên cứu chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu cho năng suất cao hơn. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới trên tinh thẩn đổi mới việc khoán sản phẩm trong nông nghiệp theo nội dung Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị; tăng cường khai hoang và định canh, định cư; phát triển nghề rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi. Thực hiện nâng cao chất lượng công tác văn hóa, giáo dục, y tế; tăng cường củng cố xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, đẩy mặt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo an ninh trật tự trị an trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Phấn đấu đến năm 1995: Phấn đấu giảm tăng dân số từ 4,8% xuống 2,2%; năng xuất lúa nước 2 vụ đạt 7 tấn/ha; tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 1.050 tấn,… Đàn trâu đạt 490 con, đàn bò 80 con, đàn lợn 1.100 con, diện tích nuôi cá 15 ha, thu hoạch 30 tấn cá. Sản xuất 100 vạn viên gạch. Tu sửa hệ thống mương phai bảo đảm đủ nước cho 200 ha. Đầu tư xây dựng thêm phòng học, nâng cấp trạm Y tế …

*Giai đoạn 1993 – 1995; Đảng bộ lãnh đạo Nhân dân phấn đấu đạt chỉ tiêu kinh tế phấn đấu đến năm 1995: Tổng lương thực quy thóc đạt 1.100 tấn. Năng suất lúa vụ 2 vụ bình quân đạt 71 tạ/ha, lúa một vụ đạt 37 tạ/ha, ngô đạt 18 tạ/ha. Mức bình quân thu nhập đầu người đạt 280 kg/ năm. Chăn nuôi: Đàn trâu có 520 con, đàn bò 90 con, đàn lợn 1.200 con, gia cầm các loại 5.500 con, ao hồ thả cá 5 ha. Đẩy mạnh giao đất cho Nhân dân sử dụng lâu dài; phấn đấu trồng mới mỗi năm 20 ha rừng, đưa diện tích phủ rừng lên 27%. Khuyến khích và tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

*Giai đoạn 1995 – 2000:  Nhiệm vụ giai đoạn này được xác định đó là cơ cấu phát triển kinh tế của xã là: Nông, lâm nghiệp - dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Lấy nhiệm vụ sản xuất nông, lâm nghiệp làm mũi nhọn và là nền tảng để phát triển tiểu thủ công nhiệp và dịch vụ. Từng bước xóa đói giảm nghèo. Tiếp tục  thực hiện giao đất rừng cho hộ gia đình quản lý; chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả; tận dụng đất đồi vườn trồng cây ăn quả và cây dược liệu để xuất khẩu nhằm nâng cao thu nhập cho Nhân dân; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với chế biến. Khai thác mạnh tiềm của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, sự quản lý của chính quyền và hoạt động của các đoàn thể quần chúng. Chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Duy trì diện tích đất cây trồng hàng năm 330 ha. Đến năm 2000, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 1.300 tấn/năm. Năng suất lúa vụ chiêm bình quân đạt 41,8 tạ/ha; lúa vụ mùa đạt 37 tạ/ha. Mức bình quân thu nhập đầu người đạt 360 kg/năm. Tăng diện tích trồng cây màu và cây ăn quả; tăng diện tích đất thâm canh sản xuất từ 2 vụ lên 3 vụ/năm; tăng số hộ dân thực hiện mô hình vườn-ao- chuồng và tăng hộ sản xuất giỏi. Chăn nuôi: Đàn trâu có  600 con, đàn bò 150 con, đàn lợn 1.850 con, gia cầm các loại 7.500 con, ao hồ thả cá 18 ha. Tiếp tục giao đất cho Nhân dân sử dụng lâu dài; phấn đấu trồng mới mỗi năm 30 ha rừng, đưa diện tích che phủ rừng lên 30%. Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; mở rộng quy mô, số lượng các cơ sở chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng. Tập trung vốn huy động trong dân và Nhà nước vào xây dựng trường học, cầu đường, thủy lợi, chợ trung tâm. Huy động trẻ em trong độ tuổi tới trường đạt 90%. Hoàn thành chương trình Phổ cập giáo dục Tiểu học - xóa mù chữ và Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi. Mở rộng mạng lưới y tế thôn bản, thực hiện tốt chương trình tiêm chủng, hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,5%. Tích cực vận động Nhân dân đẩy mạnh phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới tại cộng đồng khu dân cư. Phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố các tổ an ninh thôn bản; đấu tranh ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng. Phấn đấu mỗi năm kết nạp 02 đảng viên mới. Đảng bộ và các chi bộ trực thuộc phấn đấu hàng năm đạt xếp loại Trong sạch, vững mạnh; chính quyền và các tổ chức đoàn thể đạt vững mạnh. Bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp với năng lực sở trường...        

Giai đoạn 2000 – 2005: Đảng bộ lãnh đạo nhân dân phấn đấu đến năm 2005, tổng sản lượng lương thực quy ra thóc đạt 1,568 tấn, hằng năm tăng 2,8%. Mức thu nhập lương thực bình quân đầu người năm 2001 đạt 379 kg, đến năm 2005 đạt 400kg/năm. Bình quân mỗi hộ có 01 con trâu, hằng năm giữ mức tổng đàn trâu có trên 750 con, trung bình mỗi hộ có 2,5 đầu lợn, tổng đàn lợn hằng năm từ 1.900 con đến 2.000 con, đàn bò có 200 con. Chăm sóc, bảo vệ 272,9 ha rừng đã trồng, trồng mới 10 ha và 5.000 cây phân tán, đến năm 2005 đưa mức tán che phủ rừng lên 28,8%. Đầu tư kiên cố hóa công trình thủy lợi đảm bảo đủ nước cho ruộng lúa nước ở Luổng Giang; phấn đấu đến năm 2005 hoàn thành mục tiêu bê tông hoá kênh mương. Phấn đấu giảm đầu hộ nghèo mỗi năm 2%; đến năm 2005 cơ bản xoá xong đói nghèo ở địa phương; tăng số hộ giàu lên trên 60%. Giảm tỷ lệ phát triển dân số mỗi năm 0,03%, đến năm 2005 giảm tỷ lệ phát triển dân số xuống còn 1,28%. Huy động 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường học; duy trì giữ vững kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học chống mù chữ (được công nhận năm 1997). Xây dựng 2 phòng học cấp 4 tại phân hiệu thôn Tòng Xành. 100% chi bộ và đảng viên được kiểm tra; không có đảng viên vi phạm kỷ luật. 100% cấp ủy viên được đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, 80% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu kém, Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh, 90% đảng viên đạt loại 1; phát triển từ 35 - 40 đảng viên mới, 100% cán bộ thôn trưởng, cán bộ xã được đi tập huấn nghiệp vụ. Phấn đấu chính quyền, Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức đoàn thể hằng năm xếp loại khá trở lên…(86).

* Giai đoạn 2005 – 2010: Lãnh đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, kết hợp với tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chế biến nông lâm nghiệp; đẩy mạnh nhịp độ phát triển kinh tế, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa và phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại; áp dụng mô hình nông - lâm - thủy sản kết hợp. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường công tác củng cố xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đến 2010 phấn đấu: Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.700 tấn, Bình quân lương thực 410kg/người/năm; chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm tăng từ 2% đến 5%/năm; phấn đấu năm 2010, đàn lợn có 18.000 con; đàn trâu có 850 con; đàn bò có 670 con; nuôi trồng thủy sản tiếp tục áp dụng theo phương thức công nghiệp; tập trung phát triển các loại cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao; phát triển các hoạt động Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để hỗ trợ cho sản xuất của bà con nhân dân. Tỷ lệ tán che phủ rừng phấn đấu đạt 38%. Thu chi ngân sách trên địa bàn tăng 10%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 2% (theo tiêu chí mới). Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi 6-14 đi học tới trường đạt 98%. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phấn đấu năm 2010 đạt chuẩn quốc gia Trung học cơ sở. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 96% trở lên, 13 thôn bản đạt văn hóa, 75% hộ đạt gia đình đạt văn hóa. Số hộ dân được xem Đài truyền hình Việt Nam đạt 100%; được nghe Đài tiếng nói Việt Nam đạt 100%. Phấn đấu hằng năm kết nạp từ 5 - 7 đảng viên mới; phấn đấu 85% đảng viên trong Đảng bộ đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không có chi bộ trực thuộc xếp loại yếu kém. Đảng bộ hằng năm đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”. Phấn đấu 85% trở lên chính quyền và các đoàn thể đạt danh hiệu “Vững mạnh”.

        * Giai đoạn 2010 – 2015: Lãnh đạo Nhân dân tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế với cơ cấu nông - lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Phấn đấu tăng thu chi ngân sách trên địa bàn 15 - 20%/năm. Hoàn thành xây dựng các công trình chuyển tiếp đã được đầu tư, tiếp nhận đầu tư, thi công xây dựng các công trình mới bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch. Năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 3%. Trẻ em trong độ tuổi đến trường hằng năm đạt 98% trở lên. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập Trung học cơ sở, đạt mục tiêu xây dựng 4 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng trường chuẩn. Phấn đấu hạ tỷ lệ dân số tự nhiên xuống còn 1,25%; tiêm chủng đầy đủ vắc xin cho trẻ em dưới 01 tuổi đạt 98% trở lên; từ 13 - 15 thôn, bản cơ quan đạt tiêu chuẩn cụm dân cư tiên tiến, làng, cơ quan văn hóa; từ 70% trở lên hộ gia đình đạt văn hóa và duy trì 5 thôn bản văn hóa đã được các cấp công nhận. Tỷ lệ hộ dân xem truyền hình Việt Nam và nghe đài tiếng nói Việt Nam đạt từ 90 - 95%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt từ 80 - 90%.

*Giai đoạn 2015 – 2020: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 về cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp 60%, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản 40%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 28 triệu/người/năm.  Tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt và phấn đấu năm 2019 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 50%;  Duy trì phổ cập Giáo dục các cấp học. Duy trì 4/4 trường đã đạt chuẩn Quốc gia và phấn đấu 02 trường Tiểu học đạt chuẩn mức độ 2. Tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 99%; Huy động tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tới lớp đạt 100%. Phấn đấu trên 80% hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hoá; 13/13 thôn và 06 cơ quan đạt danh hiệu văn hoá. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,1%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 12%; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Duy trì đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 5% theo tiêu chí mới. Tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp Nhân dân nêu cao cảnh giác, phòng chống âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.  Phấn đấu hàng năm có 100% số chi bộ Đảng trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ Đảng yếu kém, Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh. Trong nhiệm kỳ kết nạp 40 đảng viên mới trở lên. 100% thôn bản, đơn vị có tổ chức Đảng. Chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của xã tăng cường đổi mới phương thức hoạt động, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hằng năm  phấn đấu chính quyền, và các tổ chức đoàn thể đạt vững mạnh(101).

Kết quả đạt được trên mặt trận kinh tế: Trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng nhiêu giải pháp. Với sự nỗ lực phấn đấu, kết quả đến cuối nhiệm kỳ, tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ vươn lên chiếm ưu thế với 56% trong cơ cấu kinh tế, tăng 16% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội; Nông nghiệp giảm từ 65,2% năm 2015 xuống còn 40% năm 2019, đạt 150% mục tiêu nghị quyết; Thu nhập bình quân đầu người  năm 2020 đạt 33,2 triệu đồng, tăng 11,2 triệu đồng so năm 2015, tăng 5,02 triệu đồng so với với mục tiêu Đại hội đề ra.

Đối với sản xuất nông nghiệp, Nhân dân tiếp tục tận dụng diện tích đất nông nghiệp hiện có chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, ổn định vùng cây lương thực; tăng diện tích trồng cây ăn quả. Cây cam được trồng mới 1,5 ha ở thôn Tòng Chú; cây thanh long trồng mới trên 2.500 m2 ở thôn Tòng Chú; xây dựng vườn ươm gần 1000 m2 giống cây ăn quả xứ lạnh ở thôn thôn Tòng Xành; duy trì phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau mầu, trong đó20 ha trồng rau chuyên canh ở các thôn An San, Luổng Đơ, Luổng Láo 1, năng suất đạt 145 tạ/ha/vụ. Ngoài ra, Nhân dân đã phát triển được vùng sản xuất rau an toàn tại các thôn: Tòng Chú, Tòng Chú 3, An San, Luổng Láo 1, Ún Tà; vùng trồng hoa 2 ha giá trị thu nhập đạt 300 triệu/năm. Đối với cây lương thực, đã tăng diện tích cây ngô hàng hóa lên 155,3 ha, sản lượng đạt 630,8 tấn. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt năm 2020 đạt 1.435,9 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 302 kg/người/năm. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng từ 50 triệu đồng/ha năm 2015 lên 75 triệu đồng năm 2020, tăng 50% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội.

*Giai đoạn 2020 đến nay:  Đảng bộ tập trung lãnh đạo Nhân dân phấn đấu xây dựng xã Cốc San đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đáp ứng các tiêu chí lên phường, trở thành đô thị kết nối, vùng đệm giữa thành phố Lào Cai và thị xã du lịch Sa Pa gắn với phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao, lấy thương mại dịch vụ là mũi nhọn; phát triển văn hóa - xã hội toàn diện; đảm bảo quân sự, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Với các mục tiêu cụ thể giai đoạn 2020-2025 gồm: Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chiếm 15%; tiểu thủ công nghiệp chiếm 15%; thương mại dịch vụ chiếm 70%. Giá trị sản xuất đất trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản 105 triệu/ha. Thu ngân sách nhà nước hằng năm tăng từ 10% trở lên. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 96%. Thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu/người/năm. Duy trì trường mầm non, Trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia; phấn đấu trường Tiểu học Cốc San đạt chuẩn mức độ 2. Phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90% trở lên; thôn văn hóa đạt 100%; cơ quan văn hóa đạt 100%. Giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao còn dưới 20%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,2. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 99%. Tạo cảnh quan, xây dựng khu du lịch sinh thái và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền phát triển các sản phẩm ẩm thực của đồng bào dân tộc. Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở khu trung tâm xã đạt 90% trở lên; thu gom và xử lý giác thải sinh hoạt ở các thôn xa trung tâm xã đạt 95% trở lên. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; phát triển thêm ít nhất 3 mô hình tổ an ninh tự quản đảm bảo an ninh trật tự; Thực hiện hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân, huấn luyện dân quân hàng năm đạt yêu cầu; trong đó khá giỏi đạt 80% trở lên. Phấn đấu 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, 100% chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó 20% chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.



 

 

 

(101) Báo cáo chính trị ngày 07/4/2015 của Đảng bộ xã Cốc San  khóa XIX trình Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX nhiệm kỳ 2015-2020 (Phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ).

 

Hải Tú Bí thư đoàn thanh niên
Tin tức
Đăng nhập
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1